Tài liệu này tổng kết thực trạng hiện nay về nước thải và chất thải rắn tại các thành phố và thị trấn nhỏ của Trung Quốc dựa trên những nghiên cứu chi tiết được tiến hành trên cả nước.
I. Thực trạng
1. Nước thải
Tính đến cuối năm 2009, Trung Quốc có tổng cộng 1.993 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất hơn 100 triệu m3/ngày, tăng 120% và 75% so với đầu và cuối giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ X (xem Biểu đồ 1). Trước đây, Mỹ được xem là quốc gia đứng đầu về công suất xử lý nước thải, nhưng hiện nay công suất xử lý nước thải của các nhà máy xử lý nước thải đang trong quá trình xây dựng và đưa vào hoạt động theo Kế hoạch 5 năm lần thứ XI của Trung Quốc đã tương đương với công suất của Mỹ. Số lượng nhà máy xử lý nước thải đang trong quá trình xây dựng đã vượt xa số lượng các nhà máy xử lý nước thải đang trong quá trình vận hành, khai thác, và trong thập kỷ tới, số lượng các nhà máy xử lý nước thải được xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ tiếp tục tăng.
Biểu đồ 1: Sự gia tăng về số lượng nhà máy và công suất xử lý nước thải
Theo số liệu thống kê của Chính phủ, các nhà máy xử lý nước thải đô thị của Trung Quốc đã xử lý 27,9 tỉ m3 nước thải trong năm 2009, tăng 1,9 lần so với giai đoạn cuối Kế hoạch 5 năm lần thứ X, và giảm được hơn 7 triệu tấn COD (nhu cầu oxy hóa học), tăng 80% so với cuối giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ X. Kể từ giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ XI, vấn đề xả thải nước thải tại Trung Quốc về cơ bản đã trở nên ổn định. Tính đến cuối năm 2009, tỉ lệ xử lý nước thải đô thị ở nước này đã đạt 73%, tăng 21% so với giai đoạn cuối Kế hoạch 5 năm lần thứ X (xem Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2: Sự gia tăng về tỉ lệ xử lý nước thải
Khoản đầu tư rất lớn trong Kế hoạch 5 năm lần thứ XI (được xem như một phản ứng thúc đẩy tài chính của Chính phủ Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng tài chính) đã giúp ngành xử lý nước thải nước này đạt được rất nhiều mục tiêu sớm hơn 1 năm so với kế hoạch (xem Bảng 1).
Bảng 1: Thành quả của kế hoạch 5 năm lần thứ XI
Dù những con số này chứng tỏ sự tiến bộ vượt bậc của những nhà máy xử lý nước thải Trung Quốc, nhưng vẫn còn một số vấn đề cần phải giải quyết theo như liệt kê dưới đây:
- Việc xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải đô thị không cân xứng về mặt địa lý và không cân xứng với loại đô thị. Do đó, 106 thành phố ở các tỉnh phía Tây Bắc và Trung Tây không xây dựng hoặc đưa vào vận hành, khai thác nhà máy xử lý nước thải; 65% các thị xã và hầu hết các làng, xã đều không có cơ sở hạ tầng xử lý nước thải.
- Quốc vụ viện khuyến nghị 36 thành phố lớn và vừa phải đạt được mục tiêu “thu gom và xử lý 100%”. Tính tới nay, vẫn còn rất nhiều thành phố không triển khai thực hiện mục tiêu này. Ở một số thành phố, vấn đề xả nước thải trực tiếp vẫn còn phổ biến, tỉ lệ bao phủ đường ống thoát nước vẫn còn thấp.
- Việc xây dựng hệ thống đường ống kết hợp còn trì trệ. Tại một số địa phương, hệ thống đường ống của nhà máy xử lý nước thải còn chưa được hoàn thiện. Mục tiêu xây dựng 160.000 km đường ống trong Kế hoạch 5 năm lần thứ mười một khó có thể đạt được.
- Việc xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý bùn còn chậm và thiếu hiệu quả. Hiện nay, 80% bùn thải ở Trung Quốc chưa được xử lý và được vận chuyển về các bãi chôn lấp rác thải rắn ở các địa phương.
- Hiệu suất xử lý của các nhà máy xử lý nước thải còn thấp. Kết quả từ “hệ thống quản lý thông tin thông tắc cống và xử lý nước thải đô thị quốc gia” cho biết 263 nhà máy xử lý nước thải đang vận hành (tương đương với 13% tổng số nhà máy xử lý nước thải) không đạt chuẩn cơ bản (hiệu suất xử lý của nhà máy xử lý nước thải không được thấp hơn 60% sau một năm hoàn thành xây dựng, và không được thấp hơn 75% sau 3 năm hoàn thành xây dựng). Như đã đề cập trước đó, nguyên nhân chính là do thiếu hệ thống đường ống.
- Hoạt động của hệ thống nhà máy xử lý nước thải còn kém hiệu quả, việc quản lý và kiểm định chất lượng nước còn chưa cao, việc ứng dụng công nghệ hiện đại còn chưa phổ biến.
- Chi phí xử lý nước thải không đủ chi trả cho các chi phí vận hành.
- Xử lý nước thải công nghiệp ở thành phố đã được cải thiện, đạt 90% so với tiêu chuẩn xử lý.
Có rất ít dữ liệu về nước thải công nghiệp ở các thành phố và thị trấn nhỏ của Trung Quốc. Nhìn chung, các xí nghiệp hương trấn tại Trung Quốc không được theo dõi một phần do Phòng Bảo vệ môi trường địa phương không đủ năng lực, phần khác do các xí nghiệp này đóng góp rất nhiều cho kinh tế địa phương, nên không bị kiểm soát gắt gao như các doanh nghiệp ở các thành phố lớn.
Một số khảo sát đã chỉ rằng lượng nước thải công nghiệp trung bình ở các thành phố và thị trấn nhỏ của Trung Quốc là 26%, trong khi con số này là 65% ở các thành phố. Tỉ lệ xử lý nước thải nhìn chung còn thấp (dưới 50%), và tỉ lệ nước thải đã qua xử lý đạt chuẩn cũng thấp (dưới 50%).
2. Chất thải rắn
Chất thải rắn đô thị là chất thải rắn được thải ra trong cuộc sống đô thị thường nhật, cũng như từ các hoạt động cung cấp các dịch vụ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Cùng với sự phát triển của hoạt động xây dựng đô thị và sự cải thiện trong tiêu chuẩn sống của người dân đô thị, lượng chất thải rắn ở đô thị Trung Quốc càng ngày càng nhiều, và Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm chất thải rắn đô thị nghiêm trọng. Kể từ năm 1979, lượng chất thải rắn đô thị ở Trung Quốc tăng 9% mỗi năm. Tổng lượng chất thải rắn đô thị ở Trung Quốc năm 2005 là 152 triệu tấn, năm 2008 là 220 triệu tấn, và con số này đã tăng lên 310 triệu tấn vào năm 2010.
Vấn đề quản lý chất thải rắn đô thị tại Trung Quốc ngày càng được quan tâm. Phương thức thu gom và vận chuyển chất thải rắn đã thay đổi: Từ thu gom và vận chuyển mở sang thu gom và vận chuyển kín, từ thu gom và vận chuyển trực tiếp bởi các phương tiện nhỏ sang vận chuyển với hiệu suất cao thông qua những phương tiện vận chuyển lớn sau khi đã đóng nén ở trạm trung chuyển. Công suất xử lý chất thải rắn đô thị tại nước này liên tục tăng. Hiện tại, lượng chất thải rắn đô thị ở nước này là hơn 220 triệu tấn, trong đó, lượng chất thải rắn hàng năm tại 655 thành phố lớn và vừa là 157 triệu tấn, và lượng chất thải rắn ở các thành phố và thị trấn nhỏ là khoảng 70 triệu tấn. Tính từ năm 1991 đến cuối năm 2009, đã có 567 cơ sở xử lý chất thải rắn an toàn, trong đó có 447 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 93 nhà máy thiêu đốt rác, 16 nhà máy ủ và 6 cơ sở xử lý khác. Trong năm 2009, số lượng chất thải rắn đô thị được xử lý tại Trung Quốc là 272.000 tấn, và tỉ lệ xử lý đạt chuẩn là 71,3%.
Tuy nhiên, ngành này vẫn còn tồn tại một số vấn đề như sau:
- Vấn đề ô nhiễm do chất thải rắn đô thị đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Lượng chất thải rắn đô thị được thải ra ngày càng nhiều, do đó, khó có thể đáp ứng được nhu cầu xử lý chất thải rắn để phát triển đô thị. Trong năm 2009, 655 thành phố của Trung Quốc thải ra 157 triệu tấn chất thải rắn đô thị, trong đó, 98 triệu tấn đã được xử lý tập trung, 59 triệu tấn còn lại được đổ xuống khu vực ven sông, ao hồ hoặc khu vực giáp ranh giữa đô thị và nông thôn. Các thành phố và thị trấn nhỏ thải ra khoảng 70 triệu tấn chất thải rắn hàng năm, và về cơ bản, lượng chất thải này vẫn chưa được xử lý. Theo một cuộc điều tra mới đây, chất thải rắn chiếm hơn 50.000 ha tại 655 thành phố của Trung Quốc.
- Mức độ xử lý “an toàn” chất thải rắn đô thị cần phải được nâng lên. Năm 2009, tỉ lệ xử lý tập trung chất thải rắn đô thị tại 655 thành phố đạt 61,6%, tăng 60% so với năm 1990, tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà máy xử lý chất thải rắn chưa đạt được các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
- Chính sách thu phí chất thải rắn đô thị chưa được thực thi thỏa đáng. Có gần 200 thành phố không thu phí xử lý rác thải, và hầu hết các thành phố đều chưa bắt đầu thu phí xử lý rác thải. Những thành phố có thu phí thì mức phí thu cũng rất thấp.
- Hệ thống quản lý chất thải rắn hiện hành đã lạc hậu. Cải cách hệ thống vệ sinh môi trường vẫn tụt hậu so với ngành nước.
- Ý thức vệ sinh môi trường chưa cao. Vấn đề vất rác nơi công cộng vẫn còn phổ biến ở nhiều thành phố, vật dụng thu gom rác thải không được sử dụng. Một số doanh nghiệp còn xả thải trực tiếp vào sông hồ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.
- Không có số liệu thống kê về ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, cũng không có số liệu đáng tin cậy cho biết lượng chất thải rắn được thu gom hàng năm. Chính vì vậy, không thể ước tính được lượng chất thải tính theo đầu người, từ đó, khó có thể đề ra các tiêu chí phù hợp để xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải rắn.
II. Quản lý chất thải
Một nghiên cứu mới đây đã tiết lộ một số vấn đề tồn tại trong hệ thống quản lý chất thải nói chung. Lộ trình dưới đây là bản tổng hợp những đề xuất được đưa ra trong các báo cáo khác nhau để quản lý chất thải hiệu quả và bền vững đến năm 2020.
1. Đảm bảo quản lý hiệu quả ngành chất thải
a. Củng cố các cơ quan chuyên môn và các phương tiện quản lý
Bước đầu tiên hướng đến quản lý hiệu quả ngành là thiết lập một hệ thống hành chính hợp lý với các phương tiện thích hợp để quyết định, thực hiện và giám sát việc thực thi các chính sách về chất thải. Việc này bắt đầu từ việc củng cố các thể chế. Cần phải phân rõ quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về quản lý chất thải. Cơ quan này phải được hỗ trợ nhân lực và tài chính đầy đủ để theo dõi các thay đổi của ngành và đảm bảo điều chỉnh kịp thời theo đúng chính sách và quy định của Nhà nước. Để đạt được hiệu quả cao hơn, nên nhóm các thành phố và thị trấn nhỏ cũng như các cụm tuyến dân cư vào cùng một kế hoạch quản lý chất thải, sử dụng chung các phương tiện quản lý.
b. Đánh giá đúng luồng rác thải
Quản lý luồng rác thải là một việc đặc biệt cần thiết. Điều quan trọng là các công trình hạ tầng kỹ thuật quản lý chất thải tại các thành phố và thị trấn nhỏ cần phải được trang bị các thiết bị đánh giá, đo lường. Nên lắp đặt cầu cân điện tử ở lối vào tất cả các điểm xử lý chất thải, như vậy cơ quan quản lý mới có thể thu thập và kiểm tra dữ liệu, từ đó mới có thể đưa ra báo cáo chính xác về tất cả các loại rác thải thu gom. Ngoài ra, cũng cần thực hiện phân loại rác thường xuyên đối với rác thải được thu gom, và phải thường xuyên cập nhật hệ thống để có số liệu chi tiết hơn về nguồn chất thải.
2. Đảm bảo thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải an toàn và hiệu quả
a. Từ thu gom không hoàn toàn tới thu gom hoàn toàn tới thu gom hoàn toàn và phân loại rác tại nguồn thải
Bước đầu tiên trong lộ trình quản lý chất thải là phải đảm bảo thu gom hoàn toàn rác thải. Việc thu gom hoàn toàn chất thải rắn sinh hoạt phụ thuộc vào loại hình và chất lượng dịch vụ công. Các thành phố và thị trấn nhỏ nên đảm bảo cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ cần thiết đó. Hiện nay, việc phân loại rác thải tại nguồn đã được thực hiện ở Trung Quốc, tuy nhiên, việc này được thực hiện mà không có phương tiện quản lý, cũng không rõ phần rác thải được thu thập riêng lẻ được xử lý như thế nào. Điều quan trọng là các thành phố và thị trấn nhỏ cần phải nhận ra và thay đổi quy trình đó.
b. Cải thiện hệ thống thu gom chất thải
Cần phải quan tâm tới việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng tiền-thu gom chất thải (các khu vực được chỉ định là nơi tập trung rác thải tại khu vực dân sinh) thành các công trình khang trang với các thùng đựng rác có bánh xe để nhân viên vệ sinh có thể dễ dàng kéo vào xe rác thay vì phải dùng sức như trước kia. Tại những khu vực có tỉ lệ dân số thấp hoặc trung bình, tỉ lệ rác thải tương đối thấp, có thể sử dụng xe ba bánh để thu gom rác thải. Giả sử hệ thống được nâng cấp lên, rác thải được thu gom cần phải được chuyển đến các trạm trung chuyển nhỏ có trang bị máy nén ở địa phương. Các thùng rác nén sẽ được chất lên xe tải và được vận chuyển tới khu vực xử lý chất thải. Ở những khu vực có tỉ lệ xả rác cao hơn, chuyển sang dùng xe tải nén rác cửa tự động được xem là giải pháp đúng đắn và nên được khuyến khích.
c. Đảm bảo vận chuyển rác thải an toàn, hiệu quả, tiết kiệm
Việc tăng cường tính hiệu quả cho hệ thống đòi hỏi phải kết hợp nhiều biện pháp. Thay vì xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng xử lý nhỏ, các thành phố và thị trấn nhỏ nên tổ chức thành các cụm tuyến dân cư và rác thải được thu gom, tập trung ở trạm trung chuyển, sau đó được vận chuyển tới nơi xử lý tập trung bằng xe tải lớn.
d. Đảm bảo xử lý rác thải phù hợp với quy định
Tất cả các cơ sở xử lý rác thải phải được xây dựng theo đúng quy định hiện hành (bãi rác có thiết kế, quy hoạch, màng địa kỹ thuật, xử lý bằng phương pháp lọc, thu khí biogas, lò đốt rác có xử lý khí gas…). Phải kiểm soát khí thải theo đúng các quy định (chất lượng lọc từ bãi rác, khí gas từ lò đốt rác).
3. Giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường và thúc đẩy kinh tế thông qua chính sách 5R
a. Giảm thiểu rác thải
Giảm lượng rác thải có thể xem là hành động phức tạp, khó triển khai và kiểm soát nhất tại Trung Quốc do không xác định được chính xác lượng rác thải ra hiện nay. Tuy nhiên, có thể thực hiện giảm lượng rác thải tại các tòa nhà công cộng và các văn phòng, tiến tới đạt được mục tiêu giảm thiểu rác thải. Song song với đó, các thành phố và thị trấn nhỏ nên triển khai các chiến lược thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân cũng như phổ biến cho người dân biết về các mục tiêu này và biện pháp thực hiện.
b. Tái sử dụng, tái chế và phục hồi rác thải
Tỉ lệ tái chế rác thải tại Trung Quốc cũng thấp do thiếu dữ liệu về lượng rác thải ra. Có vẻ như có một lượng lớn rác đã được tái chế và tái sử dụng ở các thành phố và thị trấn nhỏ của Trung Quốc thông qua những con đường không chính thống. Các thành phố và thị trấn nhỏ cần phải quan tâm tới luồng rác thải, cần phải đặt ra các mục tiêu cụ thể về phục hồi năng lượng và tái chế vật liệu liên quan tới tro và rác thải sinh học.
c. Thu gom rác thải riêng biệt
Tại các nước châu Âu hiện nay đã phổ biến việc rác thải được thu gom một cách riêng biệt theo loại rác thải, đặc biệt là theo lộ trình tái chế của loại rác thải đó. Việc thu gom rác thải tại Trung Quốc chưa thực sự phù hợp với kiểu thu gom đó do vẫn còn một lượng lớn rác thải có thể tái chế được được phân loại một cách tự nhiên và được tái chế thông qua lộ trình tương tự. Nếu không đạt được các chỉ tiêu về rác thải được thu gom một cách riêng biệt trong ngắn hạn, thì việc điều chỉnh chu trình tái chế rác thải có thể giúp các tập thể thích nghi với hệ thống tiền-thu gom để hình thành một phương thức thu gom rác thải riêng biệt một cách chuyên nghiệp hơn (có thể vẫn được thu gom bởi cá nhân, nhưng theo cách được giám sát). Việc thu phí rác thải theo từng loại khác nhau cũng đang được triển khai, góp phần giảm lượng rác thải và phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả hơn.
4. Dùng chung cơ sở hạ tầng: Chiến lược đôi bên cùng có lợi
Có thể thấy việc cải thiện công tác quản lý chất thải rắn tại các thành phố và thị trấn nhỏ thông qua việc dùng chung cơ sở hạ tầng đem lại những tác động tích cực về kinh tế, kỹ thuật cũng như về mặt thể chế và bảo vệ môi trường. Dùng chung cơ sở hạ tầng là nền tảng cần thiết để quản lý hiệu quả rác thải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét