Hàng trăm hộ dân sống gần Khu công nghiệp nhỏ (KCNN) chế biến hải sản xã Diễn Ngọc, Diễn Châu (Nghệ An) phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc, nguồn nước bị ô nhiễm nặng, nhiều người mắc bệnh trọng.
Không khí và nước bị ô nhiễm nặng
Đến thôn Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc, chúng tôi không khỏi rùng mình bởi mùi hôi thối nồng nặc, đặc trưng của xác cá, mắm thối rữa xộc thẳng vào mũi. Bà Trần Thị Hùng (63 tuổi, ở xóm Ngọc Văn) bức xúc: "Chúng tôi rất khổ sở bởi 2 cơ sở thu gom xả mắm của anh Hoàng và chị Vinh. Mỗi ngày họ thu gom hàng chục tấn xả mắm ở các nơi về rồi đem phơi, bốc mùi hôi thối kinh khủng. Ngoài ra, mùi khét từ các cơ sở, nhà máy chế biến bột cá, phi lê cá… làm cho cả khu dân cư ngộp thở".
Chúng tôi đến cơ sở thu gom xả mắm của chị Vinh và anh Hoàng ở gần cuối xóm Ngọc Văn. 2 cơ sở này có khá nhiều nhân công phơi xả mắm, những đống xả mắm khổng lồ phủ nylon bốc mùi hôi thối xộc lên tận óc. Đáng sợ hơn là chất thải đen ngòm từ những đống xả mắm chảy ra khu dân cư gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường. "Những chất thải này chảy đến đâu cây chết đến đó" - một người dân nói.
Không chỉ 2 cơ sở thu gom xả mắm gây ô nhiễm không khí và nguồn nước, cảng cá Lạch Vạn và các cơ sở, nhà máy chế biến hải sản nằm ở KCNN Diễn Ngọc (gồm các xóm Đông Lộc, Ngọc Văn, Ngọc Minh) cũng gây ô nhiễm trầm trọng. "Hệ thống nước thải không qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản trong KCNN Diễn Ngọc ngày đêm thi nhau đổ ra cống, vào khu dân cư, rồi chảy tự do ra sông Lạch Vạn, khiến nước sông đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc" - anh Văn Hợi, một người dân xóm Ngọc Văn cho biết.
Đến đầu xóm Ngọc Minh, chúng tôi chứng kiến 3 bể chứa chất thải bể phốt không có nắp đậy của các cơ sở sản xuất, thu gom hải sản nằm giữa khu dân cư đông đúc. 3 bể chứa này ngoài chất thải của các cơ sở chế biến hải sản còn có rác thải, xác súc vật chết nổi lềnh bềnh, ruồi nhặng bu đầy. Bà Trần Thị Hùng thở dài cho biết: "Bệnh đau mắt đỏ ở 2 xóm Ngọc Minh, Ngọc Văn xảy ra thường xuyên. Đặc biệt là trẻ nhỏ mắc bệnh viêm phổi, nấm chân tay, ghẻ lở trầm trọng. 2 xóm Ngọc Văn và Ngọc Minh, 5 năm trở lại đây có rất nhiều người chết vì ung thư".
Ô nhiễm đến bao giờ?
Ông Nguyễn Văn Hoà - Bí thư Đảng uỷ xã Diễn Ngọc xác nhận việc ô nhiễm là có thật. "Việc xả mắm là không thể chấp nhận được, tôi đã đề nghị xã phải xử lý. Xã đã yêu cầu các cơ sở, nhà máy chế biến hải sản làm bể biogas nên ô nhiễm hiện nay có đỡ hơn. Riêng 3 bể chứa ở xóm Ngọc Minh, xã xin huyện cái nắp đậy nhưng chưa được" - ông Hoà nói.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Ngô Đình Tiu - Phó Trưởng phòng TNMT huyện Diễn Châu cho biết: "Ô nhiễm ở Diễn Ngọc lâu nay là ô nhiễm chung, bởi bến cảng là nơi giao lưu, thu nhập của 6 xã vùng biển, một ngày trên 200 tấn cá.
Người dân chủ yếu làm nghề đánh bắt, chế biến hải sản, sản xuất bột cá, nước mắm, nhiều hộ phơi rửa cá, xay bột cá, xả mắm, tạo ra ô nhiễm. Phòng TNMT và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra xử lý. Hiện nay ở Diễn Ngọc đã xây dựng bãi rác tập trung, làm bể chiết, biogas… nên ô nhiễm có giảm đáng kể. Riêng cảng cá đã có dự án 34 tỷ đồng để sắp tới sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải".
Ông Ngô Đức Huệ - Xóm trưởng xóm Ngọc Văn bức xúc nói: "Tại các kỳ họp hội đồng, chúng tôi đều đại diện cho dân phản ánh thực trạng ô nhiễm lên xã, đã có các đoàn về môi trường của huyện, tỉnh về kiểm tra, nhưng ô nhiễm vẫn cứ ô nhiễm".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét